Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

4 loại rau giúp bạn trẻ lâu

Các loại rau ăn thường ngày ẩn chứa rất nhiều điều kỳ diệu, hãy tìm hiểu xem loại củ quả nào sẽ giúp bạn "đẩy lùi" các tác động của thời gian, giữ mãi tuổi thanh xuân.
1. Mướp đắng
Đặc điểm dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ của mướp đắng là: thứ nhất:có rất nhiều Vitamin C, Vitamin B1 và các loại kiềm sinh vật (alkaloid); thứ hai : có chứa nhiều acid galacturonic và pectin. Vị đắng của mướp đắng là do chất quinin trong kiềm sinh vật(quinin alkaloid). Các dưỡng chất này có thể thúc đẩy sự ngon miệng, lợi tiểu, lưu thông máu, chống viêm , thanh nhiệt và làm cho tinh thần thoả mái.
 
alt
 
Khoa học hiện đại nghiên cứu và phát hiện chất “Polypeptide-P” trong mướp đắng là một loại chất insulin có tác dụng hạ đường huyết. Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra trong mướp đắng còn chứa protein lipid có tác dụng kích thích và tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại các tế bào ung thư trong cơ thể, protein lipid kết hơp với quinin alkaloid đều có tác dụng chống ung thư.
 
Mướp đắng có vị đắng nhưng lại có tính hàn, ăn không chán, khi mùa hè chúng ta ăn mướp đắng sẽ có cảm giác mát mẻ sảng khoái, và kích thích vị giác hiệu quả. Mướp đắng có thể bào chế thành trà thanh nhiệt để uống trong những ngày hè làm cho người uống ngủ ngon và tinh thần thoải mái.
 
Có nhiều nơi thái mướp đắng đem bóp muối để giảm bớt vị đắng, hoặc có nơi thì sắt thành khúc rồi nhồi thịt và tỏi băm vào hầm trở thành món ăn ngon. Như vậy , mướp đắng tuy đắng nhưng khi ăn lại mang đến cảm giác ngọt ngào - khoẻ mạnh và vui vẻ cho người ăn.
2. Cà  chua
Cà chua có chứa protein, chất béo, chất đường, acid, carotene , Vitamin B1, B2 và Vitamin C,… Trong đó hàm lượng Vitamin C có tác dụng làm đẹp cao hơn dưa hấu gấp 10 lần.Các chất như canxi, photpho, sắt và các khoáng chất có trong cà chua thúc đẩy sự dậy thì của thanh thiếu niên, và ức chế sự phát triển vi khuẩn.
 
Mấy năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra trong cà chua còn có chứa một loại chất chống ung thư và chống lão hoá hiệu quả đó là chất Glutathione.Qua xác định lâm sàng, khi nồng độ chất Glutathione trong cơ thể tăng cao thì tỷ lệ mắc ung thư giảm đáng kể.
 
alt
 
Vì vậy nên ăn nhiều cà chua có thể đề phòng được bệnh ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tuỵ, viêm bàng quang, và các loại bệnh ung thư tuyến tiền liệt, … đồng thời có thể ngăn chặn sự lão hoá, hạ huyết áp, bệnh quáng gà và chảy máu nướu răng,…
Do cà chua có nhiều chất có lợi cho sức khoẻ  cho nên các quốc gia phát triển châu Mỹ đều khuyến khích các gia đình nên ăn cà chua để ngăn chặn bệnh ung thư, kháng bệnh, làm đẹp.   
Khi ăn cà chua cần phải ăn đúng cách . Ăn sống không thể ngăn chặn được bệnh ung thư, vì trong cà chua có chứa chất lycopene, chất này và protein kết hợp với nhau, xung quanh được bao bọc bởi chất Cellulose nên rất khó thải ra, và cần phải tăng nhiệt độ nhất định mới có thể thải ra được.Vì vậy cần phải nấu chín cà chua mới có tác dụng chữa bệnh.
3. Bí ngô
Trong giai đoạn thiếu lương thực, bí ngô thường được thay thế cho cơm, nhưng  khi xã hội đã phát triển hơn tại sao bí ngô vẫn được nhiều người mua?
 
alt
 
Có 3 nguyên nhân:
 
Thứ nhất do bí ngô ngọt và ngon. Thứ hai trong bí ngô có chứa hàm lượng Vitamin A phong phú, có thể tăng cường niêm mạc, phòng bệnh cảm cúm đồng thời đề phòng da khô ráp, có tác dụng làm đẹp. Và nó còn có khả năng phòng ngừa bệnh khô giác mạc, bệnh quáng gà.
 
Thứ 3 là y học hiện đại cho thấy bí ngô có có chứa nguyên tố coban, kẽm, đồng và pectin ,có thể thúc đẩy bài tiết insulin bình thường của cơ thể. Bí ngô còn có thể ngăn ngừa bệnh bệnh tiểu đường, huyết áp cao và một số bệnh về gan thận hiệu quả, có khả năng tăng cường phòng chống bệnh thiếu máu, ung thư, có thể loại bỏ các vi khuẩn độc tính trong cơ thể, giảm tỷ lệ nguy cơ ung thư ruột kết , đề phòng và chữa trị bệnh xơ vữa động mạch. 
4. Cà rốt
Cà rốt là một chất dinh dưỡng phong phú , là loại rau tốt cho mọi lứa tuổi, và được gọi là “tiểu nhân sâm”. Cà rốt có chứa rất nhiều thành phần carotene- là một loại hắc tố màu vàng. Trong 100g carốt có chứa 1.35 – 17.25 mg carotene. Đây là loại rau quả có hàm lượng carotene cao nhất, nó cao hơn khoai tây 360 lần, rau cần 36 lần. Carotene sau khi hấp thụ vào cơ thể người có thể chuyển hoá thành Vitamin A.
 
alt
 
Nếu thường xuyên dùng carốt rất có lợi cho sức khoẻ: Tăng cường hệ miễn dịch, phòng bệnh đục thuỷ tinh thể do cơ thể thiếu Vitamin A, Vitamin A không chỉ có ảnh hưởng tới mắt, da mà còn làm giảm sức đề kháng.
 
Nếu đáp ứng đầy đủ nhu cầu về Vitamin A không chỉ tốt cho mắt, viêm mạc mà còn phòng được bệnh quáng gà, cảm cúm và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể thêm nữa cà rốt còn có lượng lớn lignin giúp nâng cao khả năng kháng bệnh, ngăn ngừa và giảm các bệnh ung thư.
 
(Sưu tầm)

Nước rửa rau quả không tẩy được hóa chất

Theo quảng cáo của các hãng sản xuất nước rửa rau quả, trong các loại thuốc trừ sâu thường có các chất nhũ dầu, có độ bám cao giúp bám chặt vào cây quả khi phun.

Tác dụng của hoạt chất bề mặt có trong nước rửa rau quả giúp làm mất độ bám của các loại nhũ dầu này.

Về nguyên tắc là vậy nhưng theo các chuyên gia của Viện Hóa học, các loại nước xịt rửa này cũng chỉ xịt rửa được một chút thuốc trừ sâu bám trên bề mặt sản phẩm. Với những quả bị sứt, thối, thuốc ngấm sâu vào bên trong thì dù xịt rửa cũng không làm sạch được hoa quả. Đấy là chưa kể các loại rau dễ bị dập nát thì không thể rửa sạch.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Hoạt hóa điện hóa, trong các dung dịch khử trùng chỉ có một loại duy nhất ít độc hại là nước muối điện.

Nó có thể diệt virus, vi khuẩn, nấm mốc bào tử, nó có tác dụng với cả các hóa chất mang tính kiềm và axit. Khi nước muối điện thẩm thấu vào vỏ và quả nó không làm hỏng quả và không gây độc hại cho quả, kể cả khi có tồn dư vì khi uống vào nó còn cung cấp năng lượng cho cơ thể, làm vi khuẩn nội sinh phát triển để chống lại vi khuẩn ngoại sinh, đặc biệt nó sẽ diệt vi khuẩn ngoại sinh thâm nhập vào đường tiêu hóa.

Với nhiều gia đình, khi không có nước muối điện (nước ozon, anolyd) có thể đun nước nóng đến 50 độ C (sờ vào thấy ấm tay) rồi cho vào bình xịt, xịt thật mạnh lên hoa quả, đặc biệt là núm quả để đẩy các loại hóa chất bám trên bề mặt ra.


Lưu ý, trước khi rửa theo cách này, hoa quả phải được cắt ngắn cuống, nước phun càng mạnh, tia càng nhỏ càng tốt. Thời gian phun tối thiểu là 5 phút.

Một cách làm sạch hoa quả khác cũng rất hiệu quả là pha nước muối 1% (cứ 10g muối sạch pha với 1 lít nước), cho vào bình và cũng phun rửa theo cách trên.

Rau là loại dễ dập nát và có nhiều ký sinh trùng bám lên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng ĐH Y Hà Nội, việc thử nghiệm rửa rau bằng các loại nước xịt này cho thấy, chúng chỉ có tác dụng rửa bớt các loại đơn bào, chứ ít có tác dụng với các loại trứng giun sán vì vỏ rất dày.

Bộ môn đã tiến hành thử nghiệm, đem ngâm các loại trứng giun sán lấy trên rau vào trong hóa chất và nước muối bão hòa (nước muối đậm đặc) cũng không diệt được. Hơn nữa, sán lá gan lớn, chui ở trong cọng rau thì không có cách nào rửa sạch được. Tốt nhất, đối với rau, chỉ nên ăn sau khi được nấu chín. Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật có tới trên 700 hoạt chất với trên 1.200 tên thương mại, mỗi loại có tính chất riêng, vì thế, chỉ với một vài hoạt chất thì rửa được rau quả này mà không rửa được rau quả khác.
 
(Sưu tầm)

Nuôi con, đầu tư sao để có lời?

“Thay vì dành 10 giờ làm việc kiếm tiền mỗi ngày, ta chỉ làm 8 giờ, còn 2 giờ để đầu tư làm bạn với con!” Như thế mới hi vọng mai này không bị lỗ trắng tay!
Hơn một tháng trước, một tờ nhật báo đăng ảnh 2 cậu con trai bò trên đường phố thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông). Ông bố bắt con bò từ tiệm game về nhà để trừng phạt tội nghiện game online. Vợ chồng ông vất vả ngoài rẫy cả ngày, chỉ để kiếm tiền cho con đi học thêm hè và đầu tư toàn bộ thời gian cho 2 cậu trai trẻ được ở nhà, học bài, vậy mà nó lại mê game hơn là mê học…
 
Tại sao chỉ là tiền?
TIỀN - Hàng triệu ông bố khắp Việt Nam cũng đang nghĩ rằng sẽ kiếm tiền cho con. Tập trung toàn bộ sức lực để cho gia đình và con cái, một cuộc sống khấm khá hơn hôm qua, hôm kia, chục năm trước. Đi sáng, về khuya, nai lưng cật lực ngoài ruộng rẫy hoặc lao tâm khổ trí trong văn phòng.
 
Bố mẹ nên dành nhiều thời gian để chăm sóc và hiểu con mình hơn.
Tôi đã từng gặp nhiều ông bố bận rộn vô cùng. Một anh làm phó chánh văn phòng của một tập đoàn tại Hà Nội, 10h đêm mới về đến nhà, sớm nhất cũng 9h. Cả 5 ngày trong tuần đều như vậy. Hai ngày cuối tuần nếu không đi đâu thì ở nhà nằm ngủ từ rạng sáng hôm trước đến 5, 6h chiều hôm sau mới dậy, chẳng làm gì, chẳng đưa con đi đâu, chẳng chuyện trò với vợ con hoặc bố mẹ gì cả.
Một anh khác chỉ là nhân viên có đá trong đá ngoài tý thôi mà ngày nào cũng 10, 11h đêm mới mệt mỏi xơ xác lê về nhà.
Ông nội, ông ngoại, bố trẻ, bố già, tới các chàng thanh niên măng tơ đều tự hào tuyên bố: Tôi là đàn ông, tôi lo việc lớn, lo kinh tế!
Nhưng tại sao lại chỉ là kinh tế? Tại sao việc lớn lại chỉ là kiếm tiền? Có phải việc làm cho gia đình hạnh phúc và dạy dỗ con cái là chuyện nhỏ? 
 
Có lẽ tâm thế này có từ thời nguyên thủy, sứ mệnh cuả người đàn ông là săn bắn cho được thật nhiều con mồi mang về cho vợ con khỏi bị đói. Cól ẽ những ngày nghèo khó chưa thoát hết khỏi đầu các bậc cha mẹ. Ba mẹ vẫn tâm niệm rằng nhiệm vụ cao cả nhất của mình là kiếm cho con ăn, còn tự khắc con sẽ lớn, sẽ khôn, sẽ ngoan, sẽ sống như ước mơ của bố mẹ. Nhưng bầu không khí quanh con bây giờ có biết bao nhiêu là nguy cơ, những nguy cơ mà bố mẹ chẳng có mấy kinh nghiệm: game online, thuốc lắc, HIV, cứu net,… đến những con My Sói ngọt ngào trên mạng…
Khó như vậy, tại sao lại coi việc dạy con là việc nhỏ, chỉ giao cho mẹ, hoặc thậm chí chẳng giao cho ai? 
 
Có phải ta đang đầu tư sai?
Tôi vừa dẫn một nhóm sinh viên sang Thái Lan giao lưu, chúng tôi được bố của một thành viên đoàn nước sở tại tiếp đón rất đặc biệt. Ông là giám đốc một ngân hàng, chắc chắn cũng rất là bận rộn, mỗi ngày của ông hẳn là cũng xếp kín lịch và làm ra rất nhiều tiền. Nghe tin cô bạn trong tầm ngắm của con trai tới chơi, ông xin nghỉ phép hẳn 2 ngày, thân chinh lái xe chở con và nhóm bạn của con đi chơi.
Hai ngày, ông vừa lái xe, đặt chỗ nhà hàng, ăn cùng, chơi cùng, nói chuyện cùng, và buổi cuối, còn nhậu cùng và rồi hát karaoke cùng cô bạn gái mà con trai ông đang đem lòng yêu. Tôi nhìn thấy ông nói chuyện, lái xe rất vui vẻ, và cũng không bỏ sót cử chỉ, câu nói nào của cô bé ấy.
Với con mắt của một người bố, một người đàn ông đã có gia đình, hẳn ông sẽ nhìn thấu tính cách, trình độ, cách cư xử và phông nền văn hóa của cô bé, tinh tường hơn cậu con trai đang “cảm nắng”. Và tôi nghĩ, cô bé có trở thành vợ tương lai cuả con ông hay không, hoàn toàn ông có thể can thiệp được. Một khi đã thân thiết với con trai như thế, một khi đã đầu tư thời gian cho con nhiều như thế, một khi đã đánh giá cô gái kỹ như thế, thì hẳn mỗi lời góp ý của ông với con trai hẳn sẽ thật tâm phục khẩu phục.
Là một giám đốc ngân hàng, tôi nghĩ cú này Ông đã đầu tư đúng.
Hai ngày nghỉ phép để làm bạn với bạn gái của con, làm ông có thể tránh được nhiều ngày cãi cọ với con trai về chuyện cưới hay không cưới, nhiều năm đau khổ dằn vặt nếu con chọn sai bạn đời.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã từng kể ở Pháp nơi anh đang sống, những bạn bè thường giao lưu nhất, thân thiết nhất của gia đình, hóa ra là toàn là bố mẹ của bạn bè con anh.
Tôi tin rằng những ông bố bà mẹ làm bạn được với con, làm bạn được với bạn bè con, làm bạn được với cả bố mẹ cuả bạn bè con, sẽ chẳng phải bỏ việc đi tìm con trong các tiệm game, chẳng phải bỏ tiền thuê thám tử theo dõi hoặc đăng báo gọi con về nhà.
Bởi vì, có thể nói Game online có sức hút không thua gì ma túy. Ví như game T. kinh phí đầu tư lên tới 65 triệu đôla, ê kíp thực hiện gồm những kiến trúc sư tài ba nhất Hàn Quốc, những họa sỹ giỏi nhất, những nhà soạn nhạc hàng đầu quốc gia… đi kèm với chiến lược kinh doanh siêu đẳng… Liệu cây roi thô kệch của ông bố già chậm chạp có chống chọi được với sức hút của game online? 
 
Một giám đốc trung tâm kỹ năng sống đã từng mở lớp cai nghiện game online từng nói: “Thành thật thì, với những em đã nghiện game online thực sự, chúng tôi chưa chữa được”. Cuối cùng, cách duy nhất để phòng chống con mình nghiện game online, có lẽ là sao cho con nghiện mình trước khi nghiện game, có nghĩa là phải chinh phục con từ hồi con còn bế ngửa.
Như một bạn đã nói: “Thay vì dành 10 giờ làm việc kiếm tiền mỗi ngày, ta chỉ làm 8 giờ, còn 2 giờ để đầu tư làm bạn với con!” Như thế mới hi vọng mai này không bị lỗ trắng tay!
 
Theo Gia Khánh

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Bài học kiên nhẫn

Có thai ở tuổi 27, sau hai năm rưỡi kết hôn, xem ra không phải là điều quá vội vàng và nông cạn. Ấy vậy, mà khi sinh con tôi có cảm giác như mình còn quá trẻ để làm mẹ.
Không biết có phải do thai không hành mà tôi luôn tỏ ra lạc quan vui vẻ từ lúc mang thai. Tôi luôn cảm thấy như có người bên cạnh ngay cả những lúc chồng đi công tác xa dài ngày. Nụ cười luôn nở trên môi tôi làm lan truyền niềm phấn khởi cho các đồng nghiệp. Thời gian mang thai trôi qua nhanh chóng. Vào một ngày tôi thức dậy sau một cơn gây mê. Tôi nằm trong phòng hồi sức và bụng xẹp xuống, không còn thấy em bé trong bụng, tôi biết em bé đã được mổ lấy ra. Nhưng mãi đến một ngày rưỡi sau tôi mới được gặp con. Tôi đã rất nóng lòng và liên tục yêu cầu được nhìn thấy con. Cảm giác được bế con trên tay thật kỳ lạ, thật khó tả. Tôi yêu nhiều lắm đôi bàn tay bé xíu xiu của con, cả đôi bàn chân nữa, cái gì cũng bé xíu. Thật thú vị!
Những ngày đầu trong bệnh viện cũng trôi qua nhanh chóng và không mấy khó khăn với sự trợ giúp của y tá và người thân trong gia đình. Tôi xuất viện về nhà. Khó khăn bắt đầu khi tôi phải ngồi hàng giờ cho con bú. Bé bú thật lâu mà vẫn không dừng nút hay ngủ thiếp đi như những em bé khác. Bé xem ra rất háu ăn. Được một tuần ngồi miệt mài, tôi bắt đầu mệt mỏi và mất dần kiên nhẫn khi cứ đến đêm bé lại khóc thật to, thật lâu, có khi khóc liên tục ba giờ đồng hồ. Tôi và cả nhà không ai có thể nghỉ ngơi được.
Ban đầu, tôi cũng rất sốt ruột vì thấy con khóc nhưng không biết làm sao cho bé nín được. Tôi trở nên tuyệt vọng và cáu gắt, thiếu kiểm soát. Cứ mỗi lần bé khóc tôi như nổi điên lên, la hét, thậm chí đánh bé nhưng tôi càng mất kiểm soát bé lại càng khóc to hơn. Tôi như kiệt sức hoàn toàn, đến nỗi ý nghĩ chạy trốn đã đến với tôi.
Nhưng rồi tôi không chạy trốn được khi thấy mẹ tôi vẫn cố gắng dỗ dành bé. Tôi bắt đầu thấy thương và bế bé với sự yêu thương và trìu mến hơn. Tôi kiên nhẫn hơn ngồi cho bé bú suốt đêm, ôm cho bé ngủ ngay trên ngực và rồi bé cũng ngủ được vài giờ trong một đêm. Sau một tháng, tôi đưa bé đi tiêm ngừa theo lịch hẹn của bệnh viện thì được biết bé khóc do thiếu sữa mẹ.
Và sau tháng đó bé đã không khóc đêm nữa nhờ bú thêm sữa ngoài nhưng tôi lại quen mắt thức đêm, ban ngày tôi buồn ngủ thì bé lại đòi tôi yêu thương, chăm sóc mặc dù đã có bà ngoại và bố. Cứ cho con bú được khoảng hai tiếng là tôi đặt con xuống ngay vì tôi thật sự rất mệt mỏi. Vừa bị buông ra, con khóc oà lên, ai bế dỗ dành cũng không được, càng dỗ con càng khóc to hơn. Ánh mắt con cứ hướng về tôi, còn tôi thì bực tức tránh xa bé, mặc cho mẹ tôi và chồng thuyết phục tôi bế bé.
Nhưng không thể để con khóc mãi được, tôi đã bình tĩnh hơn và bế bé vào lòng. Như cảm nhận được hơi ấm từ mẹ, bé bớt khóc ngay. Tôi như có cảm giác chinh phục được một điều gì, tôi cũng cảm thấy dễ chịu hơn và từ từ hát cho bé nghe, rồi bé cũng ngủ thiếp đi. Tôi chợt nhận ra một điều rằng điều bé muốn là sự yêu thương của mẹ. Bé cần mẹ kiên nhẫn hơn.
Đến tới tận bây giờ con đã hơn hai tuổi nhưng dù có bị mẹ la hay con khóc vì lý do gì cũng muốn được mẹ ôm hoặc con nói “Mẹ bế con đi”. Bao nhiêu sự mệt mỏi hay mất kiên nhẫn đều tan biến. Tôi nhận ra rằng với con tôi chỉ cần nhẹ nhàng và yêu thương. Con đã dạy tôi sự kiên nhẫn, đặc biệt cần phải kiên nhẫn hơn khi mỗi lần con khóc. Tôi học được đối với đứa trẻ tức giận không giải quyết được vấn đề.
Cảm ơn con trai! Từ đó trở đi tôi cũng kiên nhẫn nhiều hơn trong cuộc sống và trong công việc. Đây thật sự là bài học lớn và quý giá mà con tôi đã dành cho tôi.
 
(Sưu tầm)

Ồ, có gì đâu con!

Khi tôi ẵm đứa cháu nội về nuôi thì nó vừa thôi nôi. Nó chưa nói được tiếng nào, ít cười lại hay khóc nhè. Trông nó ốm yếu và nhút nhát lắm.
Điều đó cũng dễ hiểu. Nó là đứa con đầu lòng của đôi vợ chồng quê còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm nuôi con, ngày ngày đi làm trong khu chế xuất, tối mịt mới về thì con đã ngủ say. Cháu tôi lại được giao cho một bé gái quê trông coi và cả hai luôn bị nhốt kín trong phòng trọ.
 
Một đêm vợ tôi đột ngột tắt đèn tối thui. Cháu tôi sợ, ôm tôi khóc thét lên. Tôi vỗ về cháu và bảo: “Ồ! Có gì đâu con”. Cháu yên tâm dần. Tôi ẵm cháu đến bên công tắc đèn, mở cho đèn sáng lên rồi chỉ cháu. Tôi tắt, rồi lại mở, rồi lại chỉ lên đèn. Tôi nói thật to: “Đèn, đèn”. Lặp đi lặp lại năm bảy lần trong năm ba ngày như thế, cháu không còn sợ nữa mà lại cười. Từ đó mỗi lần ẵm cháu ngang qua công tắt đèn, cháu đòi mở và tắt cho bằng được, rồi cười híp mắt (lẽ dĩ nhiên công tắt điện phải thật an toàn). Từ đó mỗi lần tôi nói “Đèn, đèn” cháu quay nhìn về cái đèn và cái công tắt. Thì ra cháu đã biết nghe tiếng “đèn”.
Nhà tôi không có quạt máy, một hôm tôi ẵm cháu sang nhà hàng xóm chơi, thấy cái quạt trần quay tít, cháu sợ. Tôi cũng đến bên công tắt, dạy cháu tắt - mở như đã dạy mở đèn. Mỗi lần cháu mở hoặc tắt (thật ra cháu chỉ sờ tay thôi, còn mở tắt là do tôi), thấy quạt quay hay ngừng là cháu vui ra mặt. Tôi nói “quạt, quạt” để dạy cháu “nghe”.

Một hôm, ông bạn tôi đến chơi, cháu tôi sợ, ôm tôi cứng ngắt, mắt nhắm nghiền, rúc đầu vào lòng tôi để trốn. Tôi vỗ nhè nhẹ vào lưng cháu và nói nhỏ: “Ồ! Có gì đâu con. Ông, ông mà!”. Đứa bé hé mắt nhìn. Tôi ẵm nó đến gần khách, nhờ ông bạn vuốt ve nựng nịu nó. Ít ngày sau nó cười vui khi thấy bạn tôi đến chơi. Tôi nựng cháu và lặp lại nhiều lần: “Ông, ông”.
Rồi một hôm, cũng ông bạn ấy đến chơi nhưng lại đeo kính lão. Cháu tôi lại sợ như trước. Tôi lại vỗ về và lặp lại câu nói: “Ồ! Có gì đâu con. Ông, ông”. Tôi bảo bạn tôi gỡ kính ra. Cháu tôi nhìn ông ấy trân trối. Tôi mượn kính bạn đeo vào mắt tôi, tôi cười đùa với cháu. Tôi lại đeo vào mắt cháu. Lúc đầu cháu hơi sợ nhưng sau có vẻ thích chí. Từ đó, mỗi lần ông bạn tôi đến chơi, tôi nhờ ông bạn tôi ẵm cháu; lúc đầu nó cũng sợ nhưng sau quen dần, nó còn đưa tay gỡ kính của bạn tôi rồi cười toe toét. Cũng từ đó, mỗi lần tôi nói “Ông, ông” thì cháu quay ra cửa tìm. Để cháu dạn dĩ, thỉnh thoảng tôi ẵm cháu sang các nhà hàng xóm chơi. Năm ba lần, cháu không còn sợ người lạ nữa.
Lúc đầu, mỗi lần tắm, cháu tôi rất sợ. Tôi tập cho cháu đùa nghịch với nước, cháu quen dần. Cháu sợ chó, mèo, tôi cũng tập cho cháu làm quen, vuốt ve chúng; sau cháu không còn sợ nữa. Mỗi lần thấy cháu sợ điều gì đó tôi luôn nói: “Ồ! Có gì đâu con”. Ngay cả sau này, cháu biết đi, mỗi lần té, cháu hay khóc; lúc đầu tôi chạy lại đỡ cháu và bảo: “Ồ! Có gì đâu con”; sau không cần đỡ nữa mà chỉ bảo: “Ồ! Có gì đâu con” là cháu hết sợ và lòm còm đứng dậy.
 
Hồi đó, thường thì mỗi lần ba cháu đi làm về, tôi ẵm cháu ra đón và nói lớn “Ba, ba”. Không ngờ chưa đầy một tháng sau, cháu tôi đã bặp bẹ được mấy tiếng “ba, ba” rồi cũng bặp bẹ luôn mấy tiếng mà tôi dạy cháu “nghe” từ trước. Lúc đầu thì cháu nói được những tiếng không dấu hoặc dấu huyền như: ba, cơm, đèn, gà, bò…; dần dần cháu nói được các tiếng có dấu sắc, dấu nặng như: chó, nước, mẹ mẹ…
Tóm lại, để trẻ dạn dĩ nên tập cho trẻ làm quen với môi trường xung quanh (lẽ dĩ nhiên môi trường đó phải an toàn), đồng thời phải biết động viên mỗi lần thấy trẻ nhút nhát, sợ sệt bằng một câu gì đó ngắn gọn, thích hợp, đừng thay đổi; chẳng hạn như câu “Ồ! Có gì đâu con” của tôi. Tập dạy cháu “nghe” rồi tập cho cháu nói từng tiếng một. Nên nhớ là cháu biết nghe và hiểu được từ rất sớm; có người còn khẳng định trẻ biết nghe khi còn trong bụng mẹ.
Nuôi dạy trẻ là một khoa học và nghệ thuật mà theo kinh nghiệm bản thân của tôi, những cặp vợ chồng trẻ dù có tìm hiểu và học hỏi trên lý thuyết đến đâu đi nữa cũng vẫn lúng túng khi va vào thực tế. May ra những kinh nghiệm nhỏ nhoi này có giúp gì cho các bạn ấy không…
 
(Sưu tầm)

Những 'thầy giáo' nhí trong nhà

Vừa đi lớp về, bé Nấm, 4 tuổi (Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) hô to: "Bố ơi, bố tắt đèn giùm con, cao quá con không với nút tắt được. Cô giáo bảo phải tiết kiệm điện, sao nhà mình mở nhiều đèn thế bố?".
Anh Đức, bố bé Nấm cho biết, nhờ cô con gái nhỏ mà gần đây, cả gia đình anh đã học thói quen tiết kiệm điện, nước. Có hôm, thấy nhà ngoài, trong bếp đến toa lét, ban công đều bật đèn sáng choang, Nấm chạy khắp nhà kêu toáng lên: "Bố ơi, mẹ ơi, tắt điện thôi, tắt điện thôi, kẻo ít nữa nhà mình lại không có điện đâu ạ". Hôm khác, khi bố mở vòi nước để rửa tay rồi quên vặn chặt lại, khiến nước vẫn rỉ tí tách, bé cũng nhắc nhở ngay: "Bố phải vặn vòi nước lại chứ, lãng phí quá".
 
Anh Đức cho biết, những lời nói của Nấm thường rất có "trọng lượng" nên được cả nhà tự giác tuân theo. Không chỉ thế, cô bé còn sống rất tình cảm, và đôi khi những cách thể hiện nho nhỏ của con, khiến anh giật mình về sự vô tâm của mình.
Có hôm, mẹ đi làm về muộn, hai bố con ăn cơm trước, vừa ngồi đến mâm cơm, bố thấy Nấm chạy đi lấy chiếc bát nữa, rồi vừa gắp hai miếng cánh gà vào đó vừa bảo: "Mẹ thích ăn nhất cánh gà, bố con mình để phần mẹ nhé".
"Hồi còn ở với bố mẹ, mình quen được chiều, nên cũng không hay để ý đến người khác. Khi nghe con nói thế, tự dưng mình thấy ngượng quá, bởi mình đã quá vô tâm, vì có khi chẳng biết người thân thích ăn gì và đã bao giờ biết để phần ai cái gì đâu", anh Đức thổ lộ.
Chị Thảo Trang (Thanh Xuân Nam, Hà Nội) thì cho biết, bình thường, chị cũng dạy con phải biết giữ gìn vệ sinh chung như không vứt rác bừa bãi hay phải để đồ trong nhà đúng nơi quy định, nhưng đôi khi, vì vội vàng, hay vì đãng trí mà chính chị làm sai và bị Quỳnh - cô công chúa 5 tuổi của mình - "chỉnh" ngay.
"Như hôm trước cho bé đi lăng Bác, con vừa hút sữa xong, mình cầm hộp để ở ngay ven đường, thế là nhóc lên tiếng ngay: 'Mẹ ơi, sao mẹ không để vào thùng rác'. Mình bảo 'quanh đây chẳng có chỗ nào để rác, mẹ để tạm đây rồi cô vệ sinh nhặt hộ cũng được', nhưng con bé không chịu mà cầm lấy hộp sữa bỏ lại vào túi nilong và bảo tí nữa gặp thùng rác sẽ cho vào", chị Trang kể lại "bài học" tuần trước.
Theo lời chị, ở nhà, Quỳnh cũng được bố đặt cho biệt danh là "cảnh sát" vì hay "tuýt còi" mỗi lần bố quăng đồ bừa bãi hay hút thuốc lá. "Cũng nhờ con bé mà anh xã nhà mình bỏ dần được thuốc đấy", chị Trang khoe.
 
Chị kể, chồng chị nghiện thuốc lá khá nặng. Mấy lần anh định bỏ nhưng không dứt được. Một hôm, cô con gái đi học về chạy nhào vào ôm lấy bố: "Bố ơi, bố đừng hút thuốc lá nữa, con yêu bố lắm, con không muốn bố chết sớm đâu". Cả nhà đang ngơ ngác không hiểu gì thì cô nhóc mếu máo: "Hôm nay cô giáo bảo ai hút nhiều thuốc lá là sẽ bị ung thư và chết sớm, cả mẹ và con ở cạnh bố cũng sẽ bị bệnh. Bố đừng hút nữa bố nhá".
Chị Trang cho biết, sau đó, Quỳnh còn bắt bố ngoắc tay hứa là sẽ không hút thuốc nữa, và nếu làm sai thì sẽ con gái sẽ không thơm bố nữa và bố sẽ không được ngủ cùng hai mẹ con. Không chỉ nói vậy, hôm nào bố đi làm về Quỳnh cũng ra ngửi miệng bố xem có mùi thuốc lá không. Ai cho kẹo, cô nhóc còn để dành cho bố "để bố ăn cho đỡ thèm thuốc".
"Chẳng biết vì 'chiến dịch' bắt bố cai thuốc sát sao quá hay vì cảm động mà anh xã đã hút ít hẳn. Còn mình cũng học được một bài học: Làm gì phải đến nơi đến chốn và nếu thuyết phục bằng sự quan tâm thì sẽ hiệu quả hơn nhiều việc chỉ trích hay chỉ nói suông", chị Trang thổ lộ.
Chị Nhuận (phố Hoàng Mai, Trương Định, Hà Nội) lại học được cách phải kiềm chế cảm xúc và tập thói quen "nói sao phải làm vậy" từ cậu con trai lên 4 của mình.
Chị kể, chị hay dạy con phải nói năng lễ phép, không được nói trống không và khi chơi với bạn thì nhất định không được đánh bạn. Cậu bé khá bướng bỉnh và cũng nhiều lần không nghe lời khiến chị bực bội, quát ầm lên, hay tét cho con mấy cái vào mông. Một lần, sau khi bị mẹ "xử" như thế, cậu nhóc quay sang bảo mẹ: "Mẹ ơi, thế con không được nói trống không với người khác, không được đánh bạn, còn mẹ thì được đánh con và nói trống không với con ạ?". Lúc này, chị Nhuận đành nhẹ giọng: "Ừ thì tại lúc đấy con làm mẹ buồn và bực quá. Mẹ làm thế cũng là sai, mẹ xin lỗi con".
Chị Nhuận cho biết, mỗi lần vợ chồng chị có chuyện bất đồng, giận dỗi, lỡ nói cộc lốc với nhau thì cũng bị cậu con "sửa lưng" ngay và nhờ thế mà hai người chú ý hơn đến lời ăn tiếng nói với nhau và cách cư xử với con.
Dành rất nhiều tình cảm trìu mến trong những trang viết cho hai đứa con của mình, anh Ngọc Phan (Đồng Nai) cũng từng thổ lộ trên blog: "Chính các con đã dạy cho ba biết sống tốt hơn".
Trên trang mạng, anh Phan kể, một lần, khi cả gia đình đi du lịch, tới nơi, dù đã hơn 10 giờ đêm, cậu con trai 4 tuổi của anh vẫn một mực đòi được gọi điện về cho cô giúp việc và bà để "mọi người yên tâm". "Lúc đó, ba chạnh lòng nhớ, không biết bao nhiêu lần ba đi công tác, chưa khi nào ba có ý thức gọi điện thoại về báo tin cho bà nội là ba đã xuống máy bay an toàn", anh Phan thổ lộ.
 
Còn cô con gái mới 9 tuổi lại "dạy" cho anh bài học về tính tiết kiệm và biết nghĩ đến người khác. Anh kể, khi lên lớp 3, dù bộ đồ thể dục của năm trước đã ngắn cũn và rách cả một lỗ ở đầu gối nhưng cô bé vẫn vui vẻ mặc và nhất định không mua bộ mới khi mẹ dẫn đi chọn đồ và bảo rằng: "Mua bộ mới làm gì cho tốn tiền, bộ này con vẫn mặc tốt mà". Thỉnh thoảng, con gái anh còn lo lắng hỏi rằng bố mẹ có vất vả quá không khi nuôi cả hai chị em đi học trường dân lập.
"Nhiều khi ba đã chi những khoản tiền lớn rất vô bổ, rất ngông cuồng, không băn khoăn gì cả. Mẹ và các con chắc là không biết. Và ba xấu hổ lắm con gái ạ!", anh Phan tâm sự trên trang blog.
Theo một chuyên gia giáo dục, tâm hồn trẻ thơ rất nhạy cảm và trong sáng. Bố mẹ là những người thày đầu tiên, dạy các em về cách sống, cách nhìn cuộc đời. Nhưng đôi khi, chính sự trong sáng, ngây thơ và tấm lòng nhân hậu thuần khiết của trẻ nhỏ lại "dạy" người lớn những bài học vô cùng quý giá, mà nếu không lắng lại, không quan tâm và thực sự biết lắng nghe con em mình, chính bạn sẽ để phí. 
 
 (Sưu tầm)